Wednesday, June 9, 2010

Tiêu Chuẩn Đạo Đức Của Ký Giả Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ


Tiêu Chuẩn Đạo Đức Của Ký Giả Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ
hoặc: Lương Năng Chức Nghiệp của Ký Giả Hoa Kỳ

Lời phi lộ: Vào năm 2004 - giữa lúc cuộc tranh cử tổng thống của hai ứng viên George W. Bush và John Kerry diễn ra gay go, một tài liệu nói rằng George W. Bush đã trốn tránh chiến tranh Việt Nam bằng cách chạy chọt để vào Lực Lương Phòng Vệ Tiểu Bang Texas do Dan Nather tung ra trong chương trình CBS’60 Minutes buổi tối với hằng triệu khán giả. Tin này có thể làm lật cán cân chiến thắng về phía TNS. John Kerry. Nhưng sau đó CBS đã phải sa thải Dan Nather vì họ không sao chứng minh được tính cách xác thực của tài liệu loan đi, chấm dứt 54 năm sống đế vương và đầy quyền thế trong nghành truyền hình của Dan Nather. Sau đó CBS cũng sa thải luôn bà Mary Mapes là người chịu trách nhiệm sọan thảo chương trình và 03 producer khác có liên quan đến bản tin của Dan Nather. Rồi vào ngày 07 Tháng 06, 2010 vừa qua, bà Helen Thomas- một phóng viên chuyên lấy tin từ Tòa Bạch Ốc cũng đã chấm dứt sự nghiệp đầy vinh quang của mình trong 50 năm chỉ vì những lời tuyên bố về Do Thái gây chỉ trích từ khắp mọi phía.

Hai sự kiện nêu trên khiến tôi thắc mắc tự hỏi không biết các hãng thông tấn, các tòa báo, các hãng truyền hình Hoa Kỳ đã tuân thủ những quy tắc đạo đức nào mà họ sẵn sàng sa thải ngay, chứ không phải chỉ xin lỗi khơi khơi, khi phóng viên, ký giả hoặc người phụ trách chương trình của họ phạm phải lỗi mà công luận Hoa Kỳ không tha thứ. Quy tắc đạo đức đó ra sao? Từ đó tôi tò mò tìm kiếm và may mắn có được, nay xin cống hiến quý vị xem chơi cho biết. Nhưng trước khi dịch tòan văn tài liệu nhan đề Society of Professional Journalist: Code of Ethics tôi xin mạo muội làm rõ nghĩa hai chữ Professional Journalist. Professional Journalist theo tôi - có nghĩa là những ký giả/thông tín viên/nhà báo chuyên nghiệp, làm việc có trả lương (có khi lên tới vài chục triệu), có thẻ ký giả của một tòa báo, hãng thông tấn, hãng truyền hình nào đó, chứ không phải là những người viết free (không lương), không thẻ hành nghề, hứng thì viết chơi và không chính thức là nhân viên của một tòa báo, hãng tuyền hình hoặc hãng thông tấn nào.

Society of Professional Journalists: Code of Ethics
- Lời Mở Đầu (Preamble)

Hội viên của Hiệp Hội Ký Giả Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ tin rằng công luận sáng tỏ là điềm báo trước cho công lý và là nền tảng của dân chủ. Chức năng của các ký giả là xúc tiến những mục tiêu đó và cung ứng một bản tường trình công bằng, toàn diện về một biến cố hay một vấn đề. Ký giả có lương tâm của tất cả cơ quan truyền thông hoặc các nghành truyền thông chuyên biệt - nỗ lực phục vụ công chúng một cách hòan hảo và công bằng. Chính trực trong nghiệp vụ là trụ cột tạo uy tín cho ký giả. Các hội viên của Hội cùng chia xẻ, cống hiến vào tác phong đạo đức, đồng thời chấp thuận và công bố những những quy tắc của Hiệp Hội cùng những tiêu chuẩn hành nghề như sau:

II- Tìm Kiếm Sự Thực Và Tường Trình ( Seek Truth And Report It)

Ký giả phải chân thật, công bằng và can đảm trong việc thu lượm tin tức, tường trình và giải thích nguồn tin. Ký giả/phóng viên phải:

- Kiểm chứng lại tính xác thực của tin tức từ tất cả các nguồn gốc, tránh sơ xuất. Không bao giờ được bóp méo tin tức.

- Nỗ lực tìm cho ra chủ thể/nhân vật chính của bản tin để họ có cơ hội trả lời về những cáo buộc.

- Nhận ra các nguồn tin khi nào thấy đáng tin. Công chúng đòi hỏi sự xác tín càng nhiều càng tốt từ nhiều nguồn tin.

- Luôn luôn hỏi động cơ (motives) tức lý do tại sao trước khi ghi “anonymity” tức “người cho tin xin được phép dấu tên”.

- Phải bảo đảm rằng những tin hàng đầu, tin diễu cợt, tài liệu quảng cáo, hình ảnh, video, phát thanh, tranh vẽ/chữ, một đọan của diễn văn/ đọan văn ngắn, lời trích dẫn…không được trình bày sai lạc. Cũng không thể quá đơn giản hoặc “phóng đại tô màu” (highlight) thêm làm sai lạc nội dung.

- Không được bóp méo nội dung của tin lấy ra từ hình ảnh (news photos) hoặc video. (1) Luôn luôn phải xin phép khi dùng hình ảnh để làm phong phú thêm cho bản tin. Phải phụ chú các hình ảnh đính kèm theo tin.

- Tránh hướng dẫn sai lạc khi diễn lại các sự kiện xảy ra trong quá khứ (re-enactments) (2). Nếu sự diễn lại là cần thiết thì cần phải phụ chú.

- Tránh giả dạng hoặc dùng những phương pháp lén lút để thu lượm tin, ngọai trừ khi nào những phương thức công khai thường lệ không thể khai thác tin rất cần thiết cho công luận. Khi dùng tới phương thức này thì phải giải thích trong bản tường trình.

- Không bao giờ được ăn cắp tin (của người khác)

- Can đảm tường trình khi tin tức có tính cách đa chủng hoặc có tính cách nghiêm trọng cho dù có trái với ý muốn của công chúng đi nữa.

- Xem xét giá trị văn hóa của bản tin và tránh gán ghép những giá trị văn hóa đó cho người khác.

- Tránh thiên kiến về chủng tộc, phái tính, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc, địa lý, khuynh hướng về dục tính, khuyết tật, hình dáng con người và địa vị xã hội.

- Hỗ trợ cho việc đổi chất công khai các quan điểm, cho dù các quan điểm đó mình không thích (ghét).

- Cho người không có tiếng nói được cơ hội nói và những nguồn tin chính thức cũng như không chính thức đều có giá trị ngang nhau.

- Phải phân biệt rõ sự bênh vực và tường trình khách quan. Khi có phân tích hoặc bình luận thêm thì phải nêu rõ và không được trình bày sai lạc sự kiện hay nội dung.

- Phải phân biệt rõ tin lấy ra từ các quảng cáo (3) và tránh lọai pha trộn làm mờ ranh giới giữa hai lọai.

- Phải ghi nhận một trách vụ đặc biệt – nếu là công việc chung (việc công) thì phải được điều hành một cách công khai và các tài liệu/hồ sơ phải được mở cho mọi người xem xét.

III- Giảm Thiểu Tại Hại (Minimize Harm)

Ký giả có lương tâm (đạo đức) phải đối xử với nguồn cung cấp tin tức, người bị đề cập tới (chủ thể của tin), đồng nghiệp như một con người và phải kính trọng họ. Ký giả/phóng viên phải:

- Bày tỏ sự bao dung (compassion) đối với những ai bị ảnh hưởng xấu hoặc bị thù ghét vì bản tin. Phải tế nhị trong khi tiếp xúc với trẻ em, các người cho tin hoặc chủ thể của bản tin thiếu kinh nghiệm. (4)

- Phải tế nhị khi lấy tin, phỏng vấn hoặc chụp hình những ai đang phải trải qua một thảm nạn hoặc tình cảm đớn đau. (5)

- Phải biết rằng khi săn tin rồi tường trình, bản tin đó có thể gây thiệt hại hoặc tạo buồn phiền cho người ta. Thu lượm tin tức không phải là cái bằng để kiêu ngạo (license for arrrogantce).

- Phải nhớ rằng công dân thường có nhiều quyền kiểm sóat các dữ kiện liên quan đến cuộc đời họ hơn là các viên chức chính quyền hoặc những người đang vận động tranh cử, hoặc đang tạo ảnh hưởng hoặc đang muốn gây sự chú ý của quần chúng. (6) Chỉ khi nào quyền lợi công cộng cao hơn thì mới có thể biện minh cho sự xâm phạm vào đời tư cá nhân.

- Hãy trình bày đúng mức (good taste). Tránh việc dẫn dắt tới những gì lạ lùng gớm ghiếc.

- Phải thận trọng khi nhận dạng (nêu danh tánh) những nghi can vị thành niên hay nạn nhân của những vụ hãm hiếp/xâm phạm tiết hạnh.

- Phải suy nghĩ chín chắn trong việc nói rõ danh tính những can phạm hình sự trước khi có hồ sơ truy tố chính thức.

- Phải quân bình giữa quyền nghi can được xét xử công bằng và quyền của công chúng được biết rõ nội vụ.

IV- Hành Động Độc Lập (Act Independently)

Ký giả/phóng viên không đặt một thứ quyền lợi nào khác hơn là quyền của công chúng được quyền biết sự thật. Ký giả/phóng viên phải:

- Tránh mâu thuẫn về quyền lợi (conflict of interest) trước mắt hay có thể cảm nhận thấy. (7)

- Không dính líu tới các hội đòan, các họat động để tránh gây tổn thương đến sự chính trực và uy tín của mình.

- Từ chối quà cáp, ưu đãi, chi phí, du lịch miễn phí, đặc quyền đặc lợi, tránh công việc phụ thêm, tham gia vào chính trị, cơ quan công quyền hoặc các dịch vụ của các tổ chức cộng đồng nếu nó làm tổn thương đến sự chính trực của ký giả.

- Công bố các đụng chạm/tranh chấp không thể tránh né được.

- Cảnh giác và can đảm giữ gìn những điều đó với tinh thần trách nhiệm.

- Từ chối đặc ân của các nhà quảng cáo, các nhóm quyền lợi và chống lại áp lực của họ muốn gây ảnh hưởng tới việc loan truyền tin tức.

- Cảnh giác với những người cung cấp tin khi đòi đặc ân hoặc tiền bạc, tránh trả giá để lấy tin.

V- Phải Có Tinh Thần Trách Nhiệm (Be accountable)

Phóng viên/ký giả phải có tinh thần trách nhiệm với độc giả, thính giả, khán giả và với nhau. Ký giả/phóng viên phải:

- Làm sáng tỏ và giải thích sự loan tải tin tức đồng thời mời đối thọai với công chúng về chức năng của ký giả.

- Khuyến khích công chúng không nên than phiền giới truyền thông.

- Thú nhận lỗi lầm và sửa chữa ngay.

- Phơi bày (không dấu diếm) lối hành xử thiếu đạo đức của ký giả và cơ quan truyền thông.

- Cam kết tôn trọng những tiêu chuẩn cao mà những tiêu chuẩn này ứng dụng cho người khác.

* * *

Tiêu Chuẩn Đạo Đức Của Ký Giả Chuyên Nghiệp Hoa Kỳ được hằng chục ngàn ký giả tự nguyện tôn trọng không phân biệt nơi chốn hay chỗ đứng và được áp dụng rộng rãi trong phòng làm tin và lớp học như là một tiêu mẫu cho hành vi đạo đức. Bản tiêu chuẩn không phải là một lọat những” luật lệ”mà là nguồn tham khảo cho việc quyết định có tính cách đạo đức. Nó không phải – và không nằm dưới Tu Chính Án Số Một- có tính cưỡng hành pháp lý.

Bản sao của văn bản này được chấp thuận trong Đại Hội Tòan Quốc Của Ký Giả Hoa Kỳ năm 1996, sau nhiều tháng nghiên cứu và thảo luận giữa các hội viên. Tiêu Chuẩn Đạo Đức Đầu Tiên của Sigma Delta Chi (tên khác của Hiệp Hội Ký Giả Chuyên Nghiêp Hoa Kỳ) được vay mượn từ Hiệp Hội Các Nhà Biên Tập Báo Chí Hoa Kỳ năm 1926. Năm 1973, Sigma Delta Chi tự soạn lấy bản tiêu chuẩn đạo đức, sau đó bản này được duyệt lại vào các năm 1984, 1987 và 1996.

Người dịch: Đào Văn Bình (8)

Chú thích của người dịch:

(1) Ví dụ hai nguời đàn ông và đàn bà nói chuyện riêng với nhau bên lề một cuộc họp, không thể bóp méo bằng cách ghi chú dưới bức hình rằng hai người đang tình tự với nhau.

(2) Diễn lại một vụ án giết người

(3) Như các quảng cáo tranh cử

(4) Ngu ngơ, còn chưa quen với báo chí.

(5) Chẳng hạn một tai nạn máy bay thảm khốc, hoặc gia đình người ta đang đau đớn vì có người bị giết chết v.v…

(6) Muốn nổi tiếng.

(7) Ví dụ làm một phóng sự tố cáo sự bê bối của một thẩm mỹ viện trong khi vợ mình đang làm chủ một thẩm mỹ viện khác và là đối thủ của thẩm mỹ viện nói trên.

(8) Chắc chắn bản dịch không hòan hảo. Nếu vị nào có bản dịch chính xác hơn xin gửi cho trong tinh khiêm tốn học hỏi. Chân thành cảm tạ.

Sunday, November 1, 2009

Website Quân Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

(NS Ðoàn Kết và Tác Giả giữ bản quyền.
Ðược quyền trích đăng; yêu cầu ghi rõ tên tác giả và xuất xứ. Cám ơn.)


SVN Navy Coastal Security Service: The Gulf Raiders - (Trần Đỗ Cẩm)
Thiết Giáp QLVNCH Tại Hạ Lào: Dấu Chân Chiến Mã ... - (Trần Đỗ Cẩm)
Vì Sao Tân Cảnh Thất Thủ? - (Cựu Đại Tá Hà Mai Việt)
Đảo Chánh Ngày 1/11/1963 - (Phạm Bá Hoa)
Mặt Trận Ban Mê Thuột - (Phạm Huấn)
Cuộc Rút Quân Trên Đường Số 7 Ngày 17/3/1975 - (Phạm Bá Hoa)
Thung Lũng Iadrang - (Hà Kỳ Lam)
Trận Làng Vei (Phần 1) - (Trần Ðỗ Cẩm)
Trận Làng Vei (Phần 2) - (Trần Ðỗ Cẩm)
Trận Làng Vei (Phần 3) - (Trần Ðỗ Cẩm)
Trận Làng Vei (Phần 4) - (Trần Ðỗ Cẩm)
Trận Làng Vei (Phần 5) - (Trần Ðỗ Cẩm)
Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa - Bình Thuận - (Hồ Ðinh)
Vết Xích Chiến Xa Trên Ðất Kontum - (Lê Quang Vinh - Chi Ðoàn 1/8)
Hổ Cáp - Gia Ðình 9 Kỵ Binh - (Hổ Cáp Trần Hữu Thành)
Cuộc Ðổ Bộ Trong Lòng Ðịch - (Trung Tá Nguyễn Ðăng Hòa)
Hải Long, Mặt Trận Miền Ðông Phan Thiết - (Mường Giang)
Ðịa Phương Quân & Nghĩa Quân Bình Thuận - (Mường Giang)
Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần - (Nguyễn Lý Tưởng)
Tướng Trần Thiện Khiêm ... - (Trần Ngọc Giang)
Trận Ðánh Cuối Cùng Của Thiếu Sinh Quân ... - (Nguyễn Anh Dũng & Lâm A Sáng)
Trung Úy Sơn - (Charles Kuralt - Hoàng Mai Ðạt chuyển ngữ)
Mùa Xuân Không Ðến - (Lê Bình)
Nguyên Văn bản Hiệp Ước Biên Giới Viêt - Hoa 1999
Oan Hồn Trên Xứ Huế - (Ngô Xuân Hùng chuyển ngữ)
Trận Phan Rang - (Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang)
The Easter Offensive (in English) - (Lt. Gen. Ngo Quang Truong)
Ðảo Guam, 27 Năm Sau - Tuyên Úy Nguyễn
Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn - Phạm Văn Liễu
Ngày Quân Lực - Bùi Ðức Lạc
Cái Chết Của Sử Gia Phạm Văn Sơn - Nguyễn Văn Dưỡng
Trong Cảnh Sống Còn - Nguyễn Tấn Hưng
Những Ngày Cuối Cùng Của Hải Vận Hạm Hậu Giang - Hoàng Sa NQT
Trận Phan Rang (Tháng 4/75) - Trương Dưỡng
Tây Nguyên Sóng Dậy - Bùi Ðức Lạc
Nhớ Về Tháng Tư 1975: Vùng IV Duyên Hải Những Ngày Cuối - Nguyễn Duyệt
Thiên Anh Hùng Ca - Bùi Ðức Lạc
Người Tù Trại Phong Quang - Ngô Xuân Hùng dịch
Phúc Trình Weyand (Phần 2) - Trần Ðỗ Cẩm dịch
Phúc Trình Weyand (Phần 1) - Trần Ðỗ Cẩm dịch
Ban Mê Thuột: Những Ngày Ðầu Trong Tay Cộng Quân - Nguyễn Ðịnh
Biệt Hải: Chuyến Công Tác Thanh Hóa - Nguyễn Văn Kha
Biệt Hải: Chuyến Công Tác Bầu Tró (Ðồng Hới) - V.12
Ðại Tá Ngô Thế Linh - Nhân Viên T 70
Ban Mê Thuột Ngày Ðầu Chiến Cuộc - Nguyễn Ðịnh
Trận Chiến Tết Mậu Thân 1968 (Phần 8) - Phạm Văn Sơn
Trận Chiến Tết Mậu Thân 1968 (Phần 7) - Phạm Văn Sơn
Trận Chiến Tết Mậu Thân 1968 (Phần 6) - Phạm Văn Sơn
Trận Chiến Tết Mậu Thân 1968 (Phần 5) - Phạm Văn Sơn
Trận Chiến Tết Mậu Thân 1968 (Phần 4) - Phạm Văn Sơn
Trận Chiến Tết Mậu Thân 1968 (Phần 3) - Phạm Văn Sơn
Trận Chiến Tết Mậu Thân 1968 (Phần 2) - Phạm Văn Sơn
Trận Chiến Tết Mậu Thân 1968 (Phần 1) - Phạm Văn Sơn
Bí Mật Về Trận Thất Thủ Ban Mê Thuột - Lữ Giang
Mặt Trận Tây Nguyên 1975 - Trung Tá Ngô Văn Xuân
Những Ngày Cuối Cùng Trên Liên Tỉnh Lộ 7B - Khuyết Danh
Nhìn Lại Trận Ðánh Ban Mê Thuột - Ðại Tá Nguyễn Trọng Luật
Trung Ðoàn 44 Trong Mùa Hè Ðỏ Lửa - Trung Tá Ngô Văn Xuân
Tết Mậu Thân Tại QÐ II - Ðại Tá Trịnh Tiếu
Hoạt Ðộng Của BK Dù Tại Bắc Việt - Trung Tá Nguyễn Văn Vinh
Bắc Việt Tấn Công Xuân Lộc - Hồ Ðinh
Máu Lửa ... Charlie - Ðoàn Phương Hải
Tướng Nguyễn Khoa Nam: Hồi ký của SQ tùy viên- (Lê Ngọc Danh)
Chuyến Công Tác Cuối Cùng Của HQ 09 - (Hoàng Ðình Báu)
Tưởng Niệm Cố Ðại Tá Ngô Thế Linh - (Ngô Xuân Hùng)
Mùa Hè Ðỏ Lửa 72 - (Cọp Biển Trần Ngọc Nam)
Cộng Sản Bắc Việt Xâm Lăng - (Trung Tá Trần Văn Hiển)
Poulo Wai - Ðột Kích Thám Sát Người Nhái - (Trịnh Hòa Hiệp)
Liên Ðoàn Người Nhái - (Lê Quán)
Giang Ðoàn 26 Xung Phong: Những Giòng Sông Cũ ... - (Trần Ðỗ Cẩm)
HQ 802- Những Ngày Cuối Trên Biển Ðông - (Vũ Quốc Công)
Từ Ban Mê Thuột Ðến Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên - (Tôn Quang Tuấn)
Những Kỷ Niệm Gia Ðình Với Tướng Nguyễn Khoa Nam - (Nguyễn Thái Dương)
Thương Tiếc Viết Về Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam - (Nguyễn Khoa Phước)
Tướng Cao Văn Viên Kể Lại 2 Buổi Họp Lịch Sử Tháng 3/75 - (Vương Hồng Anh)
Tưởng Niệm Tướng Trần Văn Hai (1) - (Người Lính Già)
Những Giờ Phút Cuối Cùng Của Tướng Trần Văn Hai - (Trịnh Văn Ngạn)
Chiến Ðấu Ðến Cùng - (Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi)
Phong Cách Anh Hùng Của Tướng Phạm Văn Phú - (Nguyễn Ðông Thành)
Tướng Lê Văn Hưng (2) - (Bà Lê Văn Hưng, nhũ danh Phạm Thị Kim Hoàng)
Tướng Lê Văn Hưng (1) - (Dale Andrade)
Thiên Thần Mũ Ðỏ Ai Còn Ai Mất - (Tướng Lê Quang Lưỡng)
Tướng Lê Nguyên Vỹ (2) - (Nguyễn Văn Tín)
Tướng Lê Nguyên Vỹ (1) - (Thanh Sơn)
Một Ngày Với Ðô Ðốc Chung Tấn Cang - (Phỏng Vấn - Phan Lạc Tiếp)
Lực Lượng Ðặc Biệt Hải Quân: Sở Phòng Vệ Duyên Hải - (Trần Ðỗ Cẩm)
Mặt Trận Tam Biên 1972 - (Người Lính QLVNCH)
Lam Son 719 Operation (in English) - (Maj. Gen. Nguyen Duy Hinh)
Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm "Hổ Biển" - (Lê Bá Thông)
Quân Sử: Chuyện Tiểu Ðoàn 1 "Quái Ðiểu" TQLC - (Bao Bất Ðồng)
Hải Sử: Trận Ba Rài - (Phan Lạc Tiếp)
Bài Nói Chuyện Của Ðại Tướng Nguyễn Khánh - (Lê Ðình Cai dịch)
Quân Sử: Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo - (Nguyễn Tuyển)
Quân Sử: Ngày Cuối Cùng Của Ðại Tá Lê Ðức Ðạt - (Vương Hồng Anh)
Quân Sử: Biệt Cách Dù Và Quân Dù Trong Ngày 30-4-75 - (Vương Hồng Anh)
Hồi Ký: Chuyến Di Tản Buồn - (Lê Bá Thông)
Hồi Ký: Sanh Nam ... Tử Bắc - (Cá Kình Nguyễn Văn Tâm)
Thương Tiếc viết về Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam - (Bào đệ Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam)
Hồi Ký: Huế, Mậu Thân và Tôi - (Mũ Xanh Nguyễn Văn Phán)
Hồi Ký: Vì Sao Tôi Bỏ Quân Ðoàn I ? - (Trung Tướng Ngô Quang Trưởng)
Hồi Ký: Ngày Tàn Cuộc Chiến - (Ðại Tá Lê Nguyên Bình)
Biên Khảo: Ðường Mòn Hồ Chí Minh - (Trần Ðỗ Cẩm)
Biên Khảo: Biến Cố Vịnh Bắc Việt Tháng 8 năm 1964 (Bài 1/6) - (Trần Ðỗ Cẩm)
Biên Khảo: Biến Cố Vịnh Bắc Việt Tháng 8 năm 1964 (Bài 2/6) - (Trần Ðỗ Cẩm)
Biên Khảo: Biến Cố Vịnh Bắc Việt Tháng 8 năm 1964 (Bài 3/6) - (Trần Ðỗ Cẩm)
Biên Khảo: Biến Cố Vịnh Bắc Việt Tháng 8 năm 1964 (Bài 4/6) - (Trần Ðỗ Cẩm)
Biên Khảo: Biến Cố Vịnh Bắc Việt Tháng 8 năm 1964 (Bài 5/6) - (Trần Ðỗ Cẩm)
Biên Khảo: Biến Cố Vịnh Bắc Việt Tháng 8 năm 1964 (Bài 6/6) - (Trần Ðỗ Cẩm)
Biên Khảo: Khái Lược Về Lịch Sử Hình Thành Của Quân Lực VNCH (Phần 1) - (Trần Ðỗ Cẩm & Trần Hội)
Biên Khảo: Khái Lược Về Lịch Sử Hình Thành Của Quân Lực VNCH (Phần 2) - (Trần Ðỗ Cẩm & Trần Hội)
Quân sử: Tống Lê Chân, Tiền Ðồn Quá Xa - (Trần Ðỗ Cẩm)
Phóng đồ Trận đánh tại Tống Lê Chân - (Trần Ðỗ Câm)
Hình Ảnh Biệt Ðộng Quân tại Hạ Lào - (Trần Ðỗ Cẩm)
Các Trận Ðánh Của Biệt Ðộng Quân tại Hạ Lào - Bài 1 - (Trần Ðỗ Cẩm)
Các Trận Ðánh Của Biệt Ðộng Quân tại Hạ Lào - Bài 2 - (Trần Ðỗ Cẩm)
Các Trận Ðánh Của Biệt Ðộng Quân tại Hạ Lào - Bài 3 - (Trần Ðỗ Cẩm)
Các Trận Ðánh Của Biệt Ðộng Quân tại Hạ Lào - Bài 4 - (Trần Ðỗ Cẩm)
Các Trận Ðánh Của Biệt Ðộng Quân tại Hạ Lào - Bài 5 - (Trần Ðỗ Cẩm)
Phóng Ðồ Kế Hoạch Ðiều Quân Lam Sơn 719 - (Trần Ðỗ Cẩm)
Phóng Ðồ Các Trận Ðánh Của Biệt Ðộng Quân Tại Hạ Lào - (Trần Ðỗ Cẩm)
Hồi Ký: Tô Phạm Liệu, người ở lại Charlie - (Phạm Anh Dũng)
Mặt Trận Tân Cảnh - Kontum 1972 - (Ðại Tá Trịnh Tiếu)
Cơn Uất Hạ Lào - (Bùi Ðức Lạc)
Ðường Về Kotum - (Bùi Ðức Lạc)
Tân Cảnh: Kẽm Gai Bọc Thây Anh Hùng - (Bùi Ðức Lạc)

Saturday, July 18, 2009

Trở lại trận Ban Mê Thuột



Nhân kỷ niệm 30 năm ngày chiếm Ban Mê Thuột, trong một cuộc phỏng vấn đăng trên nhật báo Nhân Dân của Đảng CSVN số ra ngày 10.3.1975, Thượng Tướng Hoàng Minh Thảo, Tư Lệnh Mặt Trận Tây Nguyên, đã nói rằng sở dĩ Buôn Ma Thuột được lựa chọn vì đây là điểm mà lực lượng miền Nam Việt Nam ít chú ý hơn, có nhiều sơ hở và thuận lợi cho các đơn vị lớn hoạt động. Hơn nữa, miền Nam Việt Nam và cả các cố vấn Mỹ vẫn tin rằng miền Bắc chưa đủ sức đưa quân vào Buôn Ma Thuột vào thời điểm đó.

Khi được đài BBC phỏng vấn, Tướng Thảo trả lời còn tệ hơn, ông chỉ lặp lại những luận điệu bố lếu bố láo cũ đã lỗi thời khiến người nghe phải bực mình, nên chẳng cho biết thêm được gì. Điều này cũng dễ hiểu thôi: Tướng Hoàng Minh Thảo là cấp thừa hành, chỉ đâu đánh đó, có trình độ văn hóa thấp và chỉ có tầm nhìn chiến thuật, nên không thể biết được kế hoạch của Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương ở Hà Nội như thế nào.

Cách đây 15 năm, khi mới đến Hoa Kỳ, chúng tôi đã viết một bài đầu tiên về trận đánh Ban Mê Thuột đăng trên báo Thời Luận ở Los Angeles, căn cứ vào các cuộc phỏng vấn các nhân chứng ở trong tù. Bài đó đã làm đảo ngược lại cách nhìn về những ngày ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Trước đó, một số người đi trước, nhất là Phạm Huấn, cứ nghĩ rằng các nhân chứng sẽ không bao giờ tới được đất Mỹ, nên đã viết phịa sử một cách thoải mái!

Nay đã 30 năm, thời gian đủ để cho chúng ta sưu tầm tài liệu, gạn lọc và suy nghĩ để trình bày lại vấn đề một cách chính xác hơn. Tuy nhiên, muốn trình bày trận Ban Mê Thuột một cách đầy đủ, phải viết ít nhất 10 số báo. Hôm nay, nhân số kỷ niệm 30 năm ngày mất miền Nam Việt Nam, chúng tôi chỉ xin trình bày những nét chính để giúp độc giả theo dõi một cách dễ dàng hơn.

KẾ HỌACH CỦA CỘNG QUÂN

Như chúng tôi đã nói trong số báo ra ngày 11.3.2005, muốn chiếm miền Nam một cách nhanh chóng, kế hoạch của Hà Nội là phải đánh thẳng vào Sài Gòn, đầu não của miền Nam, bỏ qua các tỉnh miền Trung. Muốn thực hiện điều dó, Tướng Văn Tiến Dũng cho biết Hà Nội đã quyết định cho làm lại con đường Đông Trường Sơn, tức quốc lộ 14, bắt đầu từ Khe Hó ở Quảng Trị, xuống tận Tà Thiết ở Bình Long, tức vùng Chiến Khu Đ. Công trình này đã được khởi sự từ năm 1973, xử dụng khoảng 30.000 bộ đội và thanh niên xung phong. Khi làm con đường này, có hai cái chốt phải nhổ mới có thể khai thông được, đó là Thường Đức ở phía tây Đà Nẵng và Đức Lập, ở phía tây Ban Mê Thuột.

Trong cuốn “Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm” Tướng Trần Văn Trà cho biết vào tháng 10 năm 1974, ông và Phạm Hùng ra Bắc họp, Bộ Chính Trị đã ra lệnh tại Nam Tây Nguyên phải mở hành lang chiến lược đoạn Đức Lập cho thông suốt. Năm 1976 sẽ bắt đầu đánh lớn.

Tại sao phải chiếm Đức Lập?

Đức Lập thuộc tỉnh Quảng Đức, một tỉnh nằm ở phía nam Ban Mê Thuột và sát vùng ngả ba biên giới Việt - Miên- Lào. Năm 1910, một người Pháp tên là Henri Maitre đi thám hiểm vùng Tây nguyên đã khám phá ra vùng ba biên giới này. Nhưng khi người Pháp đến lập các căn cứ tại đây thì bị người Thượng chống trả rất quyết liệt. Năm 1932, Đại Úy Mallard từ Bandon thuộc tỉnh Darlac, đã theo sông Dak Dam đi lên và khám phá ra vùng DAKMIL nằm sát vùng Tam Biên là nơi có đất rất tốt, nên xin bình định và lập một đồn tại đây để kiểm soát và khai thác. Sau đó, Pháp đã cho làm một liên tỉnh lộ nối liền Bandon với Darmil dài 55 cây số và đặt tên là Liên tỉnh lộ 6. Vùng Dakmil là quận Đức Lập sau này.

Quốc lộ 14, sau khi chạy qua Ban Mê Thuột, đã đi vào Đức Lập rồi chia thành hai nhánh, một nhánh đi thẳng qua Phước Long và Bình Long, nối liền với đầu quốc lộ 13, một nhánh đi về Gia Nghĩa rồi quẹo qua Kiến Đức, vào Phước Long và gọi là quốc lộ 14B.

Năm 1959, khi các hoạt động của Cộng quân gia tăng ở vùng Cao Nguyên và Chiến Khu Đ, chính phủ Ngô Đình Diệm đã quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức để kiểm soát vùng Tam Biên và chặn đường đi xuống Chiến Khu Đ của Cộng quân. Tỉnh này gồm 3 quận là Kiến Đức, Khiêm Đức và Đức Lập. Tỉnh lỵ đặt tại Gia Nghĩa.

Để khai thông Thường Đức, trong hai tháng 7 và 8 năm 1974, Cộng quân đã huy động gần 3 sư đoàn thiện chiến để thanh toán cái chốt này. Sau đó, Cộng quân làm khúc đường 14 từ Quảng Nam đến Phước Long ở cả hai chiều cùng một lúc, một chiều từ Phước Long đi lên Quảng Đức và một chiều từ Quảng Nam đi vào. Tại khúc Kontum, Pleiku và Ban Mê Thuột, Quân Lực VNCH đang trần đóng trên quốc lộ 14, nên Cộng quân phải làm con đường thứ hai đi vòng sau Kontum, Pleiku và Ban Mê Thuột để vào Quảng Đức và đặt tên là Quốc lộ 14A. Khi tới Đức Lập, con đường bị kẹt ở đây nên Cộng quân phải thanh toán Đức Lập bằng mọi giá. Tuy nhiên, chiếm xong Đức Lập mà muốn giữ vững cái chốt này, phải chiếm luôn Ban Mê Thuột vì từ Ban Mê Thuộc, quân lực VNCH có thể đánh chiếm lại.

Ban Mê Thuột là tỉnh lỵ của tỉnh Darlac, có độ cao khoảng 536 thước và cách Sài Gòn 353 cây số. Vùng đất này ngày xưa thuộc sắc tộc Rhadé Kpa, do tù trưởng Ama Y Thuột cai quản (có sách viết là Maya Thuột). Theo truyền tụng, trước đây Ban Mê Thuột được gọi là Buôn Ma Thuột, vì theo thổ ngữ của sắc tộc Rdadé, Buôn có nghĩa là làng hay ấp, Ma là ông, còn Thuột là tên riêng. Buôn Ma Thuột là làng của ông Thuột. Năm 1923 tỉnh Darlac được thành lập và đặt dưới quyền cai trị của Công Sứ Sabatier. Đây là một vùng đất phì nhiêu và là cửa ngỏ quan trọng của đường giao thông từ Tây Nguyên xuống Nam Phần.

KHÔNG NHẬN RA KẾ HOẠCH CỦA ĐỊCH

Như chúng tôi đã trình bày trong số ra ngày 1.4.1975, trong cuộc họp vào đầu tháng 10 năm 1974 tại Dinh Độc Lập, Tướng Phạm Văn Phú đã nhận định: “Đối phương có thể đẩy nỗ lực chính vào việc đánh mạnh Kontum - Pleiku, cắt đường 14, đường 19 (nối Quy Nhơn với Pleiku).”

Ông không tiên đoán được Cộng quân sẽ đánh Đức Lập và Ban Mê Thuột để khai thông đường Đông Trường Sơn. Cộng quân không hề định đánh Kontum hay Pleiku như ông đoán.

Tướng Nguyễn Văn Thiệu cũng không nắm vững chiến lược và chiến thuật của địch nên đã nhận định rất vu vơ: “Có thể Cộng Sản sẽ mở tiến công trong Đông - Xuân, quy mô lớn hơn 1972, kéo dài cả năm. Mục tiêu chung nhằm đánh phá bình định và diệt nguồn sinh lực của ta. Có thể Cộng Sản đánh chiếm Quảng Trị trên cơ sở cô lập Huế - Đà Nẵng. Lấy Kontum để áp lực Bắc Bình Định, lấy Tây Ninh làm thủ đô và ung thối đồng bằng sông Cửu Long.”

Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân, đã báo cáo rằng theo không ảnh, Cộng quân đã khai thông được đường Đông Trường Sơn và hệ thống ống dẫn dầu đã phát triển tới tây bắc Bến Giằng (tức Thường Đức, Quảng Nam). Nhưng chẳng ai thèm để ý.

TIN TỨC TÌNH BÁO DỒN DẬP

Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 của Quân Đoàn 2, kể lại rằng nhờ hệ thống truyền tin điện tử, Quân Đoàn 2 VNCH đã mở được hầu hết các khóa mật mã của Cộng Quân đánh đi. Nhờ vậy, từ tháng 12 năm 1974 Quân Đoàn 2 đã biết được Cộng quân đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột.

Đại Tá Phùng Văn Quang, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 45 thuộc Sư Đoàn 23 cho biết một tiểu đoàn của Trung Đoàn 45 đang hành quân trên quốc lộ 14 gần quận Thuần Mẫn thì một cán binh Việt Cộng ra xin đầu thú. Anh ta khai tên là Sinh (có người nói là Sính), một sĩ quan truyền tin, có nhiệm vụ bắt đường dây điện thoại ngang qua quốc lộ 14 nối liền Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 320 ở phía tây quốc lộ này với một đơn vị đang đóng ở quận Thuần Mẫn. Khi điều tra thì khám phá ra anh ta chỉ là một Thượng Sĩ chớ không phải sĩ quan. Vì giữ nhiệm vụ truyền tin, anh ta biết khá nhiều về kế hoạch hành quân của Sư Đoàn 320 và các đơn vị phối hợp. Anh cho biết Sư Đoàn 320 đang đóng ở phía tây quốc lộ 14 gần quận Buôn Hô và đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Khi tin này được báo về Quân Đoàn 2, Tướng Phú ra lệnh Trung Đoàn 45 cho một tiểu đoàn hành quân lục soát hai bên quốc lộ 14, từ Ban Mê Thuột đến Pleiku để phát hiện địch. Đại Tá Quang nói ông đã cho lục soát nhưng không thấy gì. Sau này ông tiết lộ rằng tiểu đoàn đó chỉ lục soát mỗi bên quốc lộ 14 khoảng 1 cây số, trong khi Sư Đoàn 320 đóng xa quốc lộ đến 5 cây số nên không thể phát hiện được. Khi không khám phá ra địch, tên Sinh đồng ý hướng dẫn trực thăng đến trên vùng Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 320 đang đóng. Đại Tá Quang nói rằng theo sự chỉ dẫn của tên Sinh, ông đã nhìn thấy phía dưới các cơ sở chứng minh có địch đang đóng quân tại đó và đã báo cáo cho Tướng Phú biết.

Mặc dầu có tin Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 320 đã chuyển từ Kontum về phía bắc Ban Mê Thuột, nhưng cơ quan truyền tin của Quân Đoàn 2 cho biết họ vẫn nhận được các tín hiệu truyền tin của Sư Đoàn này phát đi từ một căn cứ ở Kontum. Căn cứ vào báo cáo này, Tướng Phú cho rằng Sư Đoàn 320 vẫn còn tại Kontum và những lời khai của tên Sinh chỉ là một kế nghi binh của địch để đánh Pleiku.

Trong thực tế, Sư Đoàn 320 đã chuyển về phía bắc Ban Mê Thuột nhưng tiếp tục cho phát các tín hiệu truyền tin từ Kontum để đánh lạc hướng.

Đầu tháng 2/1975, Phòng 2 Quân Đoàn khám phá ra một thông báo của Cộng quân về cuộc họp vào ngày 1.2.1975 của Tư Lệnh các Sư Đoàn 320, F.10 và 968 tại vùng phía tây Đức Cơ để khai triển chiến dịch 275. Thông báo này do một người tên Tuấn ký tên. Tuấn là một trong những bí danh của Văn Tiến Dũng.

Một nữ du kích hồi chánh ở Ban Mê Thuột cho biết Trung Đoàn 25 của Cộng quân đã được lệnh ăn Tết trước để chuyển quân về vùng Khánh Dương ở phía đông Ban Mê Thuột và một số đơn vị thuộc Sư Đoàn F.10 đã có mặt xung quanh quận Đức Lập, phía tây nam Ban Mê Thuột. Các thợ rừng báo cáo họ thấy nhiều đơn vị Cộng quân lẩn quẩn trong vùng phía bắc và phía tây Ban Mê Thuột... Những tin tức này cho thấy Cộng quân đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột.

Trung Tá Ngô Văn Xuân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44, cho biết vào Tết Ất Mão (1975), Trung Đoàn 44 đang đóng ở căn cứ 801, cách tỉnh lỵ Pleiku khoảng 20 cây số về hướng tây bắc, đã được Quân Đoàn 2 chỉ định tiếp đón Tổng Thống đến ăn Tết. Đúng 12 giờ trưa ngày mồng một Tết (11.2.1975), Tổng Thống từ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 đến Trung Tâm Hành Quân của Trung Đoàn 44 bằng trực thăng cùng với các Tướng Trần Văn Trung, Lê Nguyên Khang và Phạm Văn Phú. Tại đây, Trung Tá Điều Ngọc Chuy, Trưởng Phòng 2 Sư Đoàn 23, đã trình bày về tình hình chung của các khu vực trách nhiệm đang do Sư Đoàn 23 trấn giữ, đặc biệt nhấn mạnh đến chi tiết về cung từ của một cán binh cộng sản thuộc Sư Đoàn 320 ra đầu thú cho biết rõ các chi tiết địch đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột. Tổng Thống có vẽ đăm chiêu rồi quay lại hỏi Tướng Phú. Tướng Phú nhận định rằng có thể Việt Cộng đưa ra một kế trá hàng nhằm đánh lạc hướng chú ý của ta. Theo ông, Pleiku là điểm, Ban Mê Thuột chỉ là diện, bởi vì Pleiku có cơ sở đầu não là BTL Quân Đoàn 2. Nếu địch tiêu diệt được cứ điểm này, chúng sẽ dễ dàng làm chủ được toàn bộ Cao Nguyên và tỏa xuống khu vực duyên hải. Tổng Thống Thiệu suy nghĩ trong giây lát, rồi ra lệnh cho Tướng Phú đưa toàn bộ Sư Đoàn 23 về lại Ban Mê Thuột. Tổng Thống nói địa thế Pleiku là khu vực trống trải, bao gồm nhiều đồi thấp và trọc, có tầm quan sát rộng, địch không bao giờ dám đương đầu trên những khoảng trống như vậy. Tổng Thống hứa sẽ cho thêm một Liên Đoàn Biệt Động Quân để làm lực lượng trừ bị. Tướng Phú đáp: “Xin tuân lệnh!”

Sau khi nghe thuyết trình, Tổng Thống Thiệu không đi Kontum như đã dự định mà đến Ban Mê Thuột và Quảng Đức để thăm và ủy lạo các binh sĩ.

Đại Tá Trịnh Tiếu cho biết ngày 15.2.1975, Tướng Phú đã mở một cuộc họp tại Quân Đoàn 2 để kiểm điểm tình hình trong Quân Khu 2, có Lãnh Sự Mỹ ở Nha Trang lên tham dự. Đại Tá Tiếu đã trình bày thêm các tài liệu cho biết địch sẽ đánh Ban Mê Thuột, nhưng Tướng Phú cứ chần chờ, không chịu ra lệnh chuyển quân.

Trung Tá Ngô Văn Xuân cho biết đến ngày 17.2.1975 Tướng Phú mới triệu tập phiên họp để đặt kế hoạch chuyển quân về Ban Mê Thuột theo lệnh Tổng Thống. Theo kế hoạch này, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 sẽ di chuyển bằng đường bộ, khi qua khu đèo Tử Sĩ, Trung Đoàn 45 sẽ đi theo tháp tùng. Trung Đoàn 44 đợi một Liên Đoàn Biệt Động Quân đến thay thế trong vòng 3 ngày và sẽ đi sau.

Tám giờ sáng ngày 18.2.1975, đoàn quân tập trung tại căn cứ Hàm Rồng để khởi hành, nhưng đến 11 giờ Tướng Phú ra lệnh hủy bỏ việc chuyển quân. Ông nói địch sẽ đánh Pleiku và việc địch chuyển quân quanh Ban Mê Thuột là để nghi binh mà thôi. Lệnh của Tướng Phú đã làm cả Quân Đoàn 2 ngạc nhiên.

PHỐI TRÍ LỰC LƯỢNG CỦA HAI BÊN

a) Phối trí của Quân Lực VNCH: Cao Nguyên Trung Phần gồm bốn tỉnh: Kontum, Pleiku, Darlac và Quảng Đức. Tướng Phạm Văn Phú đã phối trí quân để phòng thủ Cao Nguyên như sau:

1.- Mặt trận Kontum: Mặt Trận này do Đại Tá Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Quân Khu 2 chỉ huy, gồm có:

- Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân với Tiểu Đoàn 96 đóng ở đèo Chu Pao và Tiểu Đoàn 72 đóng ở Kontum. Tiểu Đoàn 89 biệt phái cho Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân đóng tại nam Kontum.

- Liên Đoàn 22 Biệt Động Quân với Tiểu Đoàn 95 đóng tại Trương Nghĩa phía tây Kontum, Tiểu Đoàn 88 đóng tại Ngọc Bay ở phía tây bắc Kontum và Tiểu Đoàn 62 đóng tại Kontum.

- Liên Đoàn 23 Biệt Động Quân với ba Tiểu Đoàn 11, 22 và 23 đóng ở phía bắc Kontun, dọc theo quốc lộ 14.

Về sau, Bộ Tổng Tham Mưu gởi Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân đến tắng cường cho Cao Nguyên với hai Tiểu Đoàn 35 và 36 đóng ở phía đông và đông bắc Kontum. Tiểu Đoàn 52 được tăng cường cho Liên Đoàn 25 Biệt Động Quân tại Thanh An, Pleiku.

Như vậy có 4 Liên Đoàn Biệt Động Quân trấn giữ Kontum. Tướng Phú rất sợ Cộng quân sẽ mở một cuộc tấn công vào Kontum như “mùa hè đỏ lửa” năm 1972.

2.- Mặt trận Pleiku: Mặt trận này do Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Sư Đoàn Trưởng Sư Đoàn 23 chỉ huy, gồm có:

- Trung Đoàn 44 đóng ở căn cứ 801 cách tỉnh lỵ Pleiku 20 cây số về phía tây.

- Trung Đoàn 45 đóng ở căn cứ Gầm Ga, phía bắc quận Thuần Mẫn, gần đèo Tử Sĩ, dọc theo quốc lộ 14, giữa Ban Mê Thuột và Pleiku.

- Liên Đoàn 25 Biệt Động Quân với ba Tiểu Đoàn 67, 76 và 90 đóng tại Thanh An, phía tây Pleiku.

Sau này, Bộ Tổng Tham Mưu gởi thêm Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân đến Pleiku với Tiểu Đoàn 42 đóng tại Ban Can phía đông Pleiku, trên quốc lộ 19; Tiểu Đoàn 43 đóng tại Hàm Rồng và Tiểu Đoàn 44 đóng tại Pleiku. Sau khi Ban Mê Thuột bị thất thủ, Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân được phái đến thay hai Trung Đoàn 44 và 45 của Sư Đoàn 23 để hai Trung Đoàn này đi chiếm lại Ban Mê Thuột.

Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Sư Đoàn 23 đặt tại Hàm Rồng, cách tỉnh lỵ Pleiku 12 cây số về phía nam, cùng với Tiểu Đoàn 43 của Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân.

3.- Mặt trận Ban Mê Thuột và Quảng Đức: Mặt Trận này do Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 chỉ huy, gồm có:

- Trung Đoàn 53 với hai Tiểu Đoàn 1 và 3 đóng tại căn cứ B.50 ở phi trường Phùng Dực và Tiểu Đoàn 2 đóng tại Dak Soong ở Quảng Đức.

- Liên Đoàn 24 Biệt Động Quân với Tiểu Đoàn 63 đóng tại Gia Nghĩa, hai Tiểu Đoàn 81 và 82 đóng xung quanh Kiên Đức.

Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 đóng tại Ban Mê Thuột.

b) Phối trí của Cộng quân: Lực Lượng của Cộng quân ở Cao Nguyên gồm có Sư Đoàn 320 đóng ở Kontum, Sư Đoàn F.10 hoạt động ở Pleiku, Sư Đoàn 986 trú quân tại vùng Tam Biên Việt - Miên - Lào, Trung Đoàn biệt lập 25, một trung đoàn khá thiện chiến, luôn quấy phá ở hai tỉnh Darlac và Quảng Đức, và Trung Đoàn đặc công 95-B, một trung đoàn rất thông thạo về địa hình ở Cao Nguyên, thường đóng ở phía đông Pleiku. Trung Tướng Hoàng Minh Thảo là Tư Lệnh. Thiếu Tướng Vũ Lăng, Đại Tá Phạm Hàm và Đại Tá Nguyễn Lăng làm Tư Lệnh Phó. Đại Tá Nguyễn Hiệp làm Chính Ủy.

CHUẨN BỊ ĐÁNH BAN MÊ THUỘT

Ban Mê Thuột lúc đó có khoảng 250.000 dân gồm nhiều sắc tộc khác nhau. Nơi đây có nhiều đồn điền, đa số là rừng cao su và cà phê, không có các chướng ngại thiên nhiên để giúp phòng thủ như ở Kontum hay Pleiku nên rất dễ bị tấn công. Lực lượng phòng thủ lại rất yếu: Nghĩa Quân và Địa Phương Quân phần lớn là người Thượng, không thiện chiến, thiếu tinh thần kỷ luật và không được trang bị đầy đủ. Tất cả trông chờ vào Trung Đoàn 53, nhưng Trung Đoàn này phải bao bọc một vùng lãnh thổ quá lớn gồm 2 tỉnh nên khó bảo vệ nổi.

Để đánh Ban Mê Thuột, lúc đầu Cộng quân huy động 4 Sư Đoàn: Sư Đoàn 3 Sao Vàng ở Bình Định, Sư Đoàn F.10 ở Pleiku, Sư Đoàn 320 ở Kontum, Sư Đoàn 968 đang đóng ở vùng Tam Biên. Ngoài ra, Cộng quân còn xử dụng Trung Đoàn biệt lập 25 để chận đường tiếp viện và Trung Đoàn 95-B để làm mũi nhọn tấn công.

Trước hết, Cộng quân ra lệnh cho Sư Đoàn 968 đang đóng ở vùng Tam Biên kéo về phía tây Quận Thanh An ở phía tây Pleiku để thay cho Sư Đoàn F.10 tiến về phía tây Ban Mê Thuột. Đại Úy Trác Ngọc Anh, một sĩ quan không báo của Quân Đoàn 2, đã nói với chúng tôi rằng vào cuối tháng 1 năm 1975, khi máy bay L.19 chở anh đang bay thám thính trên con đường từ vùng Tam Biên về Thanh An thì anh phát hiện ra một đoàn quân xa độ một trăm chiếc đang chạy từ Tam Biên về Pleiku. Anh thông báo ngay về Phòng 2 của Quân Đoàn. Một lúc sau khi nghe báo cáo, cơ quan quân báo của Hoa Kỳ đã nói vào máy cho biết đó là các xe chuyển quân của Sư Đoàn 968 của Cộng quân. Quân Đoàn 2 đã xin Bộ Tổng Tham Mưu huy động các phi cơ A.37 của Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 6 Không Quân đến oanh kích. Cuộc oanh kích kéo dài từ 9 giờ sáng đến quá trưa, nhưng vẫn còn thấy một số xe đang chạy. Bộ Tổng Tham Mưu phải điều động thêm Sư Đoàn 1 Không Quân ở Đà Nẵng vào trợ chiến. Cuộc oanh kích kéo dài đến 4 giờ chiều thì chấm dứt. Một máy bay C.47 của Bộ Tổng Tham Mưu đã đến chụp hình và thấy khói bay ngụt trời, nhiều tiếng nổ từ dưới đất phát ra, vô số xe bị bắn cháy nằm rải rác trên đường. Sau chiến công này, Quân Đoàn 2 được khen thưởng. Trung Úy Trác Ngọc Anh (đang ở Boston) được vinh thăng Đại Úy.

Bị thiệt hại nặng trong vụ oanh kích đó, Sư Đoàn 968 không còn khả năng chiến đấu như lúc đầu nữa, Bộ Chỉ Huy Tây Nguyên của Cộng quân đã điện về Hà Nội cầu cứu. Hà Nội liền ra lệnh rút gấp Sư Đoàn 316 đang đóng ở vùng biên giới Lào-Việt ở phía tây Nghệ Tĩnh đưa vào Cao Nguyên Trung Phần thay thế cho Sư Đoàn 968. Sư Đoàn 316 là một Sư Đoàn cơ động nhẹ, chỉ có 2 Trung Đoàn, nên khi đi qua Thừa Thiên đã được tăng cường thêm một Trung Đoàn của Sư Đoàn 324 đang đóng tại đây. Sau đó, Hà Nội còn cho thêm Trung Đoàn 29B ở Đà Nẵng vào tăng cường.

Có đủ quân số rồi, Cộng quân phối trí như sau: Sư Đoàn 3 Sao Vàng từ Bình Định đem hai Trung Đoàn đóng ở phía tây đèo An Khê, cắt quốc lộ 19 nối liền Bình Định và Pleiku để chận đường tiếp viện của Sư Đoàn 22 bộ binh và nghi binh.

Sư Đoàn F.10 từ Pleiku tiến về phía tây Ban Mê Thuột, vây quận Đức Lập, cắt con đường 14 nối liền Ban Mê Thuột với Đức Lập.

Sư Đoàn 320 từ Kontum di chuyển về phía bắc Ban Mê Thuột, đóng cách quốc lộ 14 về phía tây 5 cây số để chận quốc lộ 14 từ Pleiku đến Ban Mê Thuộc. Một tiểu đoàn của Sư Đoàn này đã băng qua quốc lộ 14, khúc cầu 210 (còn gọi là cầu Ialeo) và tiến về phía đông, đóng chốt trên đường nối liền tỉnh Phú Bổn với quận Thuần Mẫn ở phía đông bắc Ban Mê Thuột.

Trung Đoàn 25 tiến về phía đông Ban Mê Thuột, chận quốc lộ 21 nối liền tỉnh Khánh Hòa với Ban Mê Thuột, khúc đèo Chư Cúc, giữa quận Khánh Dương của Khánh Hòa và quận Phước An của Ban Mê Thuột.

Tàn quân của Sư Đoàn 968 (khoảng hơn 1 Trung Đoàn) tiến về phía tây Pleiku, có nhiệm vụ gây rối để cầm chân 2 Trung Đoàn của Sư Đoàn 23 ở lại mặt trận Pleiku.

Trung Đoàn đặc công 95-B phong tỏa quốc lộ 19 nối liền Pleiku với Quy Nhơn, ở khúc sát chân đèo Mang Yang, phía đông Pleiku

Sư Đoàn cơ động nhẹ 316 mới từ Bắc vào sẽ làm mũi nhọn đánh vào thành phố Ban Mê Thuột, nhưng sợ sư đoàn này 316 thiếu kinh nghiệm, không nắm vững địa hình địa vật, sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, nên Hà Nội chỉ thị cho một tiểu đoàn của Trung Đoàn 95-B hướng dẫn sư đoàn này.

Qua các khóa mật mã mở được, Quân Đoàn 2 cũng biết đích xác ngày giờ Tướng Văn Tiến Dũng sẽ vào Nam bằng đường Tây Trường Sơn rồi xuống đường Đông Trường Sơn để vào Ban Mê Thuột. Ngày Văn Tiến Dũng đi qua phía tây Kontum, Quân Đoàn 2 đã cho thả một đại đội trinh sát xuống quãng đường này để phục kích Văn Tiến Dũng nhưng không gặp vì đường Đông Trường Sơn ở khúc đó có quá nhiều nhánh, không biết đoàn xe đi đường nào.

ĐỊCH BẮT ĐẦU ĐÁNH NGHI BINH

Ngày 1.3.1975, Sư Đoàn 3 Sao Vàng tiến lên chốt đèo Mang Yang trên quốc lộ 19 nối liền Pleiku với Quy Nhơn và gây áp lực mạnh ở phía đông Pleiku. Điều này càng làm cho Tướng Phú tin hơn nữa rằng địch sẽ đánh Pleiku. Tướng Phú xin thêm viện binh để giữ mặt này. Liên Đoàn 4 Biệt Động Quân được gởi đến tăng viện cho Pleiku. Tướng Phú liền ra lệnh Thiết Đoàn 2 Thiết Giáp do Đại Tá Nguyễn Văn Đồng chỉ huy phối hợp với Liên Đoàn này trấn giữ phía đông Pleiku. Năm 1989, khi gặp Đại Tá Đồng ở Saigon, ông cho chúng tôi biết mặt trận này khá nặng, vì địch rất đông, ẩn nấp trong trong các hóc núi pháo kích ra dữ dôi, nên mặc dầu có lệnh phá chốt, Thiết Đoàn 2 cũng không thể yểm trợ cho Liên Đoàn 4 thực hiện được.

Cũng trong ngày 1.3.1975, Sư Đoàn 968 tấn công chiếm hai đồn ở phía tây Thanh An và áp sát vào quận Thanh An. Điều này càng làm cho Tướng Phú tin địch sẽ đánh Pleiku.

Ngày 2.3.1975, Chi Trưởng CIA ở Quân Khu 2 tại Nha Trang đã lên Ban Mê Thuột báo cho Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột, biết Cộng quân đang chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột và yêu cầu Đại Tá Luật phải đề phòng. Đại Tá Luật thông báo cho Quân Đoàn thì ở đây cho biết cũng đã nhận được công điện của CIA vào buổi sáng. Tướng Phú liền ra lệnh cho Trung Đoàn 53 rút một tiểu đoàn đang hành quân tại Quảng Đức về phòng thủ Ban Mê Thuột và đưa Liên Đoàn 23 Biệt Động Quân từ Kontum đến thay. Cũng trong ngày này, tình báo của Cảnh Sát báo cáo phát hiện một đơn vị Cộng quân lảng vảng ở rừng cao su phía đông Ban Mê Thuột, gần quốc lộ 21.

Ngày 4.3.1975, Sư Đoàn 3 Sao Vàng cắt đứt quốc lộ 19 từ Quy Nhơn đến Pleiku, ở khúc Bình Khê và Suối Đôi. Hai Trung Đoàn 41 và 42 của Sư Đoàn 22 được lệnh phá cái chốt này nhưng không tiến lên nổi.

Ngày 5.3.1975, Trung Đoàn 25 của Cộng quân chốt quốc lộ 21 ở đèo Chư Cúc nằm giữa quận Khánh Dương và quận Phước An, phía đông Ban Mê Thuột. Một đoàn xe quân sự của Quân Lực VNCH di chuyển qua đèo Chư Cúc đã bị Cộng quân phục kích và bắn cháy, các binh sĩ bị bắt.

Trưa 5.3.1975, Sư Đoàn 320 cho một tiểu đoàn chận đánh một đoàn quân xa của Trung Đoàn 45 gồm 14 chiếc di chuyển trên quốc lộ 14, khúc phía bắc quận Thuần Mẫn. Đoàn xe này có kéo theo một khẩu đại bác 105 ly. Được tin này, Tướng Phú lại ra lệnh cho Trung Đoàn 45 đưa một tiểu đoàn hành quân lục lọi hai bên quốc lộ 14 để tìm các dấu vết của Sư Đoàn 320, nhưng không phát hiện được gì.

Ngày 7.3.1974, Cộng quân chiếm cứ điểm Chư Xê phía bắc Buôn Hô và cắt đứt quốc lộ 14. Sau đó, Cộng quân cho pháo kích vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 tại Phi Trường Cù Hanh ở Pleiku và mở những trận đánh lớn ở Bình Định để cầm chân Sư Đoàn 22 và đánh lạc hướng. Tướng Phú đã lấy máy bay đi quan sát mặt trận Bình Định. Đại Tá Trịnh Tiếu kể rằng sau khi thị sát các mặt trận Tam Quan, Bồng Sơn và đèo Mang Yang, Tướng Phú đã đưa ông và và một sĩ quan khác về Nha Trang ăn cơm tối ở nhà ông. Tại đây, bà Phú đã lên tiếng khiển trách các sĩ quan Quân Đoàn 2 trong việc cho oanh tạc cơ phá hủy đoàn xe của Sư Đoàn 968. Theo bà, Việt Cộng chỉ muợn đường của Quân Đoàn 2 để đi vô Nam, nhưng vì Quân Đoàn 2 đánh họ nên bây giờ họ đánh trả lại khắp nơi. Tướng Phú ngồi im lặng và tỏ ra chán nản.

Ngày 8.3.1975, Sư Đoàn 320 đánh chiếm quận Thuần Mẫn. Tại đây chỉ có một tiểu đoàn địa phương quân trấn giữ nên không cầm cự được lâu và đã bị thất thủ. Đường 14 bị cắt thêm ở khúc quận Thuần Mẫn.

TẤN CÔNG ĐỨC LẬP VÀ BAN MÊ THUỘT

1.- Số phận của Đức Lập: Đêm 8.3.1975, Sư Đoàn F.10 bắt đầu tấn công quận Đức Lập. Các căn cứ Núi Lửa và 23 bảo vệ Đức Lập bị tràn ngập.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 9.3.1975, Tướng Phú và Bộ Tham Mưu Quân Đoàn 2 đã bay về Ban Mê Thuột họp với Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tư Lệnh Sư Đoàn 23, Đại Tá Võ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng Darlac, Đại Tá Nguyễn Văn Nghìn, Tỉnh Trưởng Quảng Đức và Trung Tá Võ Ân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 53. Đại Tá Nguyễn Văn Nghìn báo cáo Cộng Quân đã tấn công vào Đức Lập từ 5 giờ sáng với cấp số lớn, tình hình rất bi đát. Bộ Chỉ Huy Chi Khu bị trúng nhiều đạn 130 ly, bị hư hại nặng nên Chi Khu Trưởng phải đưa Bộ Chỉ Huy ra khỏi quận, nhưng vẫn đang chiến đâu. Tướng Phú theo dõi một tiểu đoàn của Trung Đoàn 53 đang chiến đấu với Sư Đoàn F.10 ở quận Đức Lập và được biết Trung Tá Nguyễn Cao Vực, Quận Trưởng Đức Lập, đã bị thương nhưng vẫn phải chỉ huy hai khẩu đại bác 105 ly bắn trực xạ để chống lại chiến thuật tấn công biển người của Cộng quân. Tướng Phú suy nghĩ và nói rằng tình hình Đức Lập không thể cứu vãn được nữa nên không tăng viện.

Khoảng gần 12 giờ, Tướng Phú đến thăm Chi Khu Darlac, ăn cơm trưa với Tướng Tường, Đại Tá Nghìn và Đại Tá Luật. Tướng Phú ăn vội vàng rồi ra phi trường Phùng Dực đáp máy bay về Pleiku để theo dõi tình hình chung của Quân Đoàn. Trước khi lên máy bay, ông quay lại nói với Đại Tá Luật: “Chú mày cẩn thận, coi chừng chúng nó đánh nghe!”.

Lúc đó trong thị xã Ban Mê Thuộc và vòng đai thành phố chỉ còn 2 tiểu đoàn của Trung Đoàn 53, một giữ ở ngã ba Dak Sak và một đóng ở căn cứ B.50 gần phi trường Phùng Dực, cùng với 2 chi đội thiết giáp và một đại đội pháo binh. Số còn lại là 2 tiểu đoàn Địa Phương Quân và Nghĩa Quân được phân tán mỏng để bảo vệ các kho trong thành phố. Cảnh Sát Dã Chiến được phân chia bố trí ở các cao ốc. Tướng Phú hứa sẽ cho thêm một chi đoàn thiết giáp và cho phép rút ngay tiểu đoàn 204 Địa Phương Quân ở Bản Đôn về bảo vệ thị xã.

Điều đánh ngạc nhiên là cho đến giờ phút đó, khi mọi tin tức quân báo và tình hình thực tế xác định địch chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột, Tướng Phú vẫn cho rằng địch sẽ đánh Pleiku. Ông lặp lại nhận định của ông là Cộng quân chỉ bao vây Ban Mê Thuột để làm kế nghi binh rồi bất thần tấn công vào Pleiku. Riêng tại mặt trận Ban Mê Thuột, Trung Tá Lê Nguyên Phả, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 23, cho biết Tướng Phú đã nhận định một cách sai lầm rằng sau Đức Lập, Cộng quân sẽ đánh Buôn Hô, nên ông đã chỉ thị cho Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2, xin Bộ Tổng Tham Mưu cho trực thăng chuyển Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đang đóng tại Kontum, thả xuống quận Buôn Hô, cách thành phố Ban Mê Thuột 30 cây số về phía bắc. Cuộc chuyển vận quân khởi sự từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều mới chấm dứt.

Tối 9.3.1975, quận Đức Lập bị thất thủ. Sư Đoàn F.10 của địch đã làm chủ tình hình ở phía tây nam Ban Mê Thuột và đang tiến về thành phố. Vòng vây Ban Mê Thuột bắt đầu bị xiết chặt.

2.- Số phận của Tiểu Khu Darlac: Khoảng 2 giờ sáng ngày 10.3.1975, Cộng quân bắt đầu tấn công vào thành phố. Chúng mở đường bằng xe tăng và trọng pháo đủ loại. Mọi phía đều có địch.

Đến 8 giờ sáng, địch dùng chiến xa T.54 đánh chiếm kho Mai Hắc Đế của Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận. Đại Tá Võ Thế Quang chỉ thị Đại Tá Luật điều động một đại đội và 4 xe M.113 ra chốt ở Ngã Sáu để chận địch. Các oanh tạc cơ được phái đến yểm trợ. Lúc 11 giờ địch tấn công Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.

Đến khoảng 9 giờ, tiểu khu cháy gần hết vì bị pháo, trừ khu truyền tin. Đại Tá Luật và Phó Tỉnh Trưởng Nguyễn Ngọc Vỵ chạy sang bản doanh Sư Đoàn 23, nhưng lính canh không chịu mở cổng. Đại Tá Vũ Thế Quang phải ra nhận diện rồi cho lệnh, lính mới mở cửa.

Thiếu Tá Hy, Trưởng Phòng 3 của Tiểu Khu, tiếp tục chỉ huy binh sĩ chống lại Cộng quân. Lúc 12 giờ 45, một trái pháo của địch bắn trúng hầm chỉ huy của Tiểu Khu, Bộ Tham Mưu Tiểu Khu phải rút ra khỏi vị trí. Lúc 13 giờ 30, Cộng quân tấn công vào Tiểu Khu. 14 giờ Cộng quân chiếm Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Đến 15 giờ, Đại Tá Quang không còn bắt liên lạc được với Tiểu Khu.

3.- Số phận của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23: Địch không nắm vững địa hình nên không tiến nhanh được. Đến 7 giờ sáng ngày 11.3.1975, Cộng quân mới tấn công vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23, nhưng lực lượng phòng thủ vẫn còn cầm cự được.

Lúc 10 giờ 10 phút, một phi vụ A-37 của Không Quân thả bom nhầm vào Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23. Mọi liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Bộ Tổng Tham Mưu hoàn toàn bị phá hủy. Bộ đội và chiến xa của Cộng quân tràn vào hậu cứ Sư Đoàn 23 như nước vỡ bờ. Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Darlac, quyết định mở đường máu đem đơn vị thoát khỏi hậu cứ.

Đại Tá Quang chỉ chạy sang khu thiết giáp nằm khuất sau bệnh viện. Các binh sĩ chạy theo. Khu thiết giáp còn hơn chục chiếc thiết vận xa M113 và một số lính, nhưng không thể ra lối trước vì sẽ đụng đầu với xe tăng của địch. Đại Tá Quang liền ra lệnh cho thiết vận xa cán lên hàng rào kẽm gai ở phía sau mà đi. Toán quân có chừng 200 người đã xuống được thung lũng và đến suối Đốc Học, một chỗ khuất và hơi kín. Đại Tá Quang định tử thủ tại đấy, nhưng Đại Tá Luật cho rằng chỗ đó trống trải quá. Hai người bàn cách đến Trung Tâm Huấn Luyện của Sư Đoàn 23 để từ đó bắt liên lạc lại với các đơn vị. Nhưng trung tâm này nằm ở phía bên kia thị xã Ban Mê Thuột nên rất khó đến được.

Đại Tá Quang muốn liều dẫn quân xâm nhập qua thành phố vào lúc đêm tối để tới trung tâm. Đại Tá Luật cho rằng lối đó quá nguy hiểm, muốn đi đường vòng qua rừng để đến. Bàn luận một hồi, hai ông quyết định ai muốn đi ngả nào thì đi. Có chừng 50 người theo Đại Tá Luật. Số còn lại theo Đại Tá Quang. Hai toán chia tay nhau vào khoảng 11 giờ.

Phó Tỉnh Trưởng Nguyễn Ngọc Vỵ theo Đại Tá Luật. Toán này lội bộ đến Buôn Ky, nhưng vừa vượt qua một ngọn đồi trọc đã thấy xe tăng của Cộng quân. Đoàn người chạy trở lại phía sau đồi, nhưng chạy mới được 10 thước, Đại Tá Luật té đánh bịch. Những người khác lo chạy thật lẹ. Ba ngày sau họ đều bị bắt. Đại Tá Quang, Đại Tá Luật và Phó Tỉnh Trưởng Vỵ đều được đưa về giam cùng một chỗ.

4.- Số phận của Liên Đoàn 21: Khi Cộng quân khởi đầu tấn công Ban Mê Thuột, Tướng Phú chỉ ra lệnh cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân do Trung Tá Lê Quý Dậu chỉ huy, từ Buôn Hô tiến bằng đường bộ về Ban Mê Thuột ở cách Buôn Hô khoảng 30 cây số.

Lúc 17 giờ chiều ngày 10.3.1975, Đại Tá Quang đã bắt liên lạc được với Liên Đoàn 21 đang tiến vào thành phố. Ông liền ra lệnh cho Trung Tá Dậu cho Tiểu Đoàn 72 chiếm lại Tiểu Khu và Tiểu Đoàn 96 lấy lại kho Mai Hắc Đế. Địa Phương Quân, Nghĩa Quân và Cảnh Sát Dã Chiến đang quần thảo với địch trong thành phố để tranh từng tấc đất.

Liên Đoàn 21 đã vào được thành phố và lập được một số chiến công, nhưng khi cuộc giao chiến đang tiếp tục thì đùng một cái, Chuẩn Tướng Lê Trung Tường ra lệnh cho cho Trung Tá Dậu điều động Liên Đoàn 21 phối hợp với Địa Phương Quân còn lại rút về vây quanh sân bay L.19 trong thành phố để ông phái trực thăng đến đón 21 người trong gia đình của ông đang kẹt tại sân bay này. Mặc dầu có sự yểm trợ của cả Địa Phương Quân lẫn Liên Đoàn 21, trực thăng của Tướng Tường phái đến cũng không đáp xuống được vì địch pháo kích dữ quá. Cuối cùng Chuẩn Tướng Tường đã ra lệnh lấy một thiết vận xa M.113 chở toàn bộ gia đình của ông tới Trung Tâm Huấn Luyện cách thị xã khoảng 3 cây số để trực thăng đến đón. Liên Đoàn 21 và Địa Phương Quân phải rất vất vả mới đưa được gia đình Tướng Tường ra khỏi vùng giao tranh và yểm trợ cho trực thăng tới đón. Khi trực thăng bốc được gia đình Chuẩn Tướng Tường đi rồi thì địch đã chiếm gần như toàn bộ thành phố Ban Mê Thuột. Liên Đoàn 21 tiến về sân bay Phùng Dực để phối hợp tác chiến với một tiểu đoàn của Trung Đoàn 53 ở căn cứ B.50 thì bị chận đánh phải lui ra khỏi vòng đai thành phố và bị vây ở Đạt Lý.

5.- Số phận của hậu cứ Trung Đoàn 53: Hậu cứ của Trung Đoàn 53 đóng ở căn cứ B.50, gần phi trường Phùng Dực do một tiểu đoàn của Trung Đoàn 53 trần giữ và một đại đội thám báo của Trung Đoàn 45 tăng cường. Đại đội này rất thiện chiến.

Căn cứ B.50 vốn là một trại lực lượng đặc biệt cũ của Mỹ có chu vi trên một cây số, với những công sự được xây cất rất kiên cố, có tất cả 11 hầm đủ sức chịu đựng được đạn 130 ly, xung quanh có xếp bao cát cao làm thành những ụ chiến đấu cá nhân. Ở xa xa là một vòng đai hàng rào kẻm gai nhiều lớp bao bọc. Tiểu của Trung Đoàn 53 đóng trong căn cứ, còn Đại Đội Thám Báo do Thiếu Úy Nguyễn Công Phúc chỉ huy đóng trên phi trường Phùng Dực, giữa các ụ bảo vệ phi cơ.

Đêm 10.3.1975, hậu cứ Trung Đoàn 53 và phi trường Phùng Dực bị pháo kích nặng. Đến 5 giờ sáng căn cứ bị địch tấn công từ hai phía đông bắc và đông nam. Địch chiếm được một phần căn cứ. Nhưng đến 8 giờ sáng, quân trú phòng đã phản công, Cộng quân bị đánh dạt sang một bên. Một cánh quân của Cộng quân đã chạy qua khu đất trống của phi trường nên bị Đại Đội Thàm Báo bắn tỉa phải chạy vào bìa rừng cao su gần phi đạo, để lại hơn 40 xác chết, một số vũ khí và quân trang quân dụng. Sau đó, Cộng quân trở lại tấn công nhiều lần, nhưng đều bị đẩy lui.

Tiểu đoàn của Trung Đoàn 53 cầm cự kéo dài đến ngày 18.3.1975 thì phải mở đường máu chạy thoát về hướng Lạc Thiện, sau khi có lệnh rút khỏi Cao Nguyên. Tướng Phú và Bộ Tham Mưu đã lên máy bay đi tìm và bắt được liên lạc, nhưng số tàn quân ở cạnh Trung Tá Ân lúc đó chỉ còn khoảng 20 người.

Đêm 16.3.1975, khi Cộng quân pháo như vũ bảo vào phi trường, Thiếu Úy Phúc liên lạc với Trung Đoàn 53, nhưng không ai trả lời. Gần sáng, Cộng quân cho xe tăng tấn công căn cứ Trung Đoàn 53 và chiếm căn này, sau đó tiến qua phi trường thanh toán Đại Đội Thám Báo còn sót lại. Không có tiếp tế, hết đạn dược, phải dùng AK 47 của địch bỏ lại để chiến đấu, Thiếu Úy Phúc phải xin phi cơ đến oanh tạc để rút ra. Đúng lúc Cộng quân đang tập trung quân, phi cơ được thám báo hướng dẫn đã đến dội bom xuống đầu địch. Nhờ những trái bom này, Đại Đội Thám Báo còn lại hơn 50 người đã rút chạy vào khu rừng cao su. Khi vào được trong rừng thì chỉ còn lại khoảng 30 người. Nhưng sau đó Cộng quân lại đến tấn công. Thiếu Úy Phúc và một y tá thoát khỏi cuộc phục kích, nhưng rồi ngày 22.5.1975 cũng bị bắt khi mò xuống suối uống nước.

Như vậy, Trung Đoàn 53 và Đại Đội Thám Báo đã bảo vệ căn cứ B.50 và phi trường Phùng Dực được 18 ngày khiến Cộng Quân phải kính nể

LÀM TAN NÁT MỘT ĐỘI QUÂN

Không nắm vững chiến lược và chiến thuật của địch, Tổng Thống Thiệu cũng như Bộ Tổng Tham Mưu đã để mất cái chốt quan trọng thứ hai bảo vệ miền Nam là Đức Lập sau khi đã bỏ mất cái chốt thứ nhất là Thường Đức vào tháng 8 năm 1975.

Sự tính toán sai lầm nghiêm trọng của Tướng Phạm Văn Phú đã làm mất Ban Mê Thuột, kéo theo hậu quả là làm mất toàn miền Nam.

Thật ra, theo sự đánh giá của các sĩ quan cao cấp cùa QLVNCH, Tướng Phú không đủ khả năng điều khiển một quân đoàn. Sở dĩ ông được đi làm Tư Lệnh Quân Đoàn 2 là do sự vận động của bà Lâm Đệ, vợ ông (thường được Phạm Huấn gọi là “Chị Hai”). Theo Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn 2, bà Lâm Đệ đã vận động với bà Đinh Thị Yến, vợ của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, để Tướng Phú được cử vào chức vụ này. Khi ông đi nhận chức, Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, đã không tiếp.

Sau khi nhận chức, công việc chính của Tướng Phú không phải là mặt trận mà lo kiếm tiền đóng hụi chết. Trung Tá Trần Tích, Trưởng Phòng 1 của Quân Đoàn 2 cho biết, sau khi rút khỏi Cao Nguyên và chạy về tới Nha Trang, Tướng Phú còn hỏi ông: “Anh xem có ai muốn đi làm tỉnh trưởng không?” Trung Tá Tích ngạc nhiên hỏi lại: “Giờ này mà Thiếu Tướng còn tìm tỉnh trưởng làm gì nữa?” Tướng Phú buồn rầu trả lời: “Tháng này chưa có 2 triệu đóng cho Trung Tướng”!

Trung Tướng Dặng Văn Quan, Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Thiệu, và Chuẩn Tướng Lê Trung Tường (cùng khóa Đập Đá với Tướng Thiệu), Tư Lệnh Sư Đoàn 23, đã dọn về ở Orange County, California, nhưng khi nghe chúng tôi kể chuyện trận Ban Mê Thuộc trên Sài Gòn Nhỏ và trên đài VOV, Tướng Quang đã bỏ qua Georgia, còn Tướng Tường về ở Việt Nam luôn. Những chuyện bi thảm như thế này còn nhiều lắm, chúng tôi sẽ kể sau.

Nhìn lại, chúng ta thấy các sĩ quan và binh sĩ ngoài mặt trận đã chiến đấu rất thiện chiến và rất anh dũng, sẵn sàng hy sinh cho Tổ Quốc, trong khi một số tướng lãnh có quyền trong tay quá yếu kém và tham những, đã đẫy họ vào đường cùng và làm mất nước!

Nhân kỷ niêm 30 năm ngày mất miền Nam, chúng ta tuyên dương tất cả các chiến sĩ VNQH ở mặt trận. Tổ Quốc sẽ ghi nhớ công ơn của họ. Riêng trong trận Ban Mê Thuột, chúng tôi xin ghi nhân công ơn của các chiến sĩ sau đây:

- Trung Tá Nguyễn Cao Vực, Quận Trưởng Đức Lập và các chiến sĩ cùng chiến đấu với ông.

- Trung Tá Võ Ân, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 53 và các chiến sĩ ở căn cứ B.50.

- Trung Tá Lê Quý Dậu, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân và các chiến sĩ thuộc Liên Đoàn này.

- Các Nghĩa Quân, Địa Phương Quân và Lực Lượng Cảnh Sát ở Ban Mê Thuột.

- Thiếu Úy Nguyễn Công Phúc, Đại Đội Trưởng Đại Đội Thám Báo của Trung Đoàn 45, và các binh sĩ dưới quyền, đã chiến đấu rất anh dũng tại phi trường Phùng Dực cho đến giờ phút cuối cùng.

Ngày nay, tỉnh lỵ Darlac không còn được gọi là Ban Mê Thuột nữa mà trở lại tên cũ là Buôn Ma Thuột, và quận Đức Lập trở thành huyên Dakmil. Nhưng những chiến công oai hùng của các chiến sĩ VNCH sẽ mãi mãi được lịch sử ghi nhớ.
Lữ Giang

Tuesday, October 2, 2007

Commando Team on the Parade

History of Nha Ky Thuat

NHA KY THUAT

THE STRATEGIC TECHNICAL DIRECTORATE

AND

REPUBLIC OF VIETNAM SPECIAL OPERATION FORCES

In early 1956 the French built Commando School at Nha Trang was re-established with US military assistance to provide physical training and ranger instruction for up to 100 students. Early the following year President Ngo Dinh Diem ordered the creation of a special unit to conduct clandestine external operations. Initial parachute and communication training for 70 officers and sergeants was conducted at Vung Tau; 58 of these later underwent a four month commando course at Nha Trang under the auspices of a US Army Special Forces Mobile Training Team. Upon completion, they formed the Lien Doi Quang Sat so 1 (I Observation Unit) on I November 1957 at Nha Trang. The unit was put under the Presidential Liaison Office, a special intelligence bureau controlled by President Diem and outside the normal ARVN command structure. The commander was Lt. Col. Le Quang Tung, an ARVN airborne officer and Diem loyalist. Many of the Unit's members came originally from northern Vietnam, reflecting its external operations orientation.

In 1958 the Unit was renamed the Lien Doan Quang Sat so 1, or I Observation Group, reflecting its increase to nearly 400 men in December. By that time the Group was seen as an anti Communist stay behind force in the event of a North Vietnamese conventional invasion; however, because of its privileged position the Group stayed close to Diem and rarely ventured into the field.

By 1960 it was apparent that the main threat to South Vietnam was growing Viet Cong insurgency; the Group abandoned its stay behind role and was assigned missions in VC infested areas. Operations were briefly launched against VC in the Mekong Delta, and later along the Lao border.

In mid 1961 the Group had 340 men in 20 teams of 15, with plan for expansion to 805 men. In October the Group began operations into Laos to reconnoiter North Vietnamese Army logistical corridors into South Vietnam. In November the Group was renamed Lien Doan 77, or 77 Group, in honor of its USSF counterparts. Over the next two years members were regularly inserted into Laos and North Vietnam on harassment and psychological warfare operations. Longer duration agent missions, involving civilians dropped into North Vietnam, also came under the Group's auspices.

The Group's sister unit, 31 Group, began forming in February 1963. Following criticism of 77 Group's perceived role as Diem's 'palace guard', both groups were incorporated into a new command,, the Luc Luong Dac Biet (LLDB) or Special Forces, on 15 March 1963. In theory the LLDB would work closely with the USSF in raising irregular village defense units. This cosmetic change still kept the Special Forces outside of ARVN control, however, and did little to change the performance of Col. Tung's troops. In August, LLDB members attacked Buddhist pagodas across South Vietnam in an effort to stiffle Buddhist opposition to the Diem regime. At the time LLDB strength stood at seven companies, plus an additional three 'civilian' companies used by Diem on political operations. Because of such missions the LLDB became despised and, when anti Diem military units staged a coup d'etat in November, the 'revolutionary' forces arrested Col. Tung and quickly neutralized the LLDB. (Tung was later executed.)

The LLDB after President Ngo Dinh Diem

In the wake of the coup the Presidential Liaison Office was dissolved and its function assumed by the ARVN. The LLDB was put under the control of the Joint General Staff and given the mission of raising paramilitary border and village defense forces with the USSF. External operations were given to the newly formed Liaison Service, also under the JGS. The Liaison Service, commanded by a Colonel, was headquartered in Saigon adjacent to the JGS. It was divided into Task Force 1, 2 and 3, each initially composed of only a small cadre of commandos.

In 1964 the JGS also formed the Technical Service (So Ky Thuat), a covert unit tasked with longer duration agent operations into North Vietnam. Commanded by a Lieutenant Colonel, the Technical Service comprised Group 11 (Doan 11), oriented toward agent operations in Laos and eastern North Vietnam; Group 68 (Doan 68 Thang Long), another infiltration unit; and the Coastal Security Service, a maritime commando group at Da Nang attached to the Technical service with its own contingent of PT boats for seaborne infiltration.

The post Diem LLDB was restructured for its proper role as a source of counter insurgency instructors for paramilitary forces. By February 1964, 31 Group had finished training and was posted to Camp Lam Son south of Nha Trang. In May the Group became responsible for all LLDB detachments in I and 11 Corps. A second reorganization occured in September when 31 Group was renamed III Group and given responsibility for the Special Operations Training Center at Camp Lam Son. Now 77 Group, headquartered at Camp Hung Vuong in Saigon, became 301 Group. In addition, 91 Airborne Ranger Battalion, a three company fast reaction para unit, was raised under LLDB auspices in November. Total LLDB force strength stood at 333 officers, 1270 non commissioned officers and 1270 men. The LLDB command at Nha Trang was assumed by Brig. Gen. Doan Van Quang in August 1965.

By 1965 the LLDB had become almost a mirror image of the USSF. LLDB Headquarters at Nha Trang ran the nearby Special Forces Training Center at Camp Dong Ba Thin. LLDB 'C' Teams, designated A through D Company, were posted to each of South Vietnam's four Military Regions; each 'C' Team had three 'B' Teams, which controlled operational detachments at the sub regional level; 'B' Teams ran 10 to 11 'A' Teams. 'A' Teams were colocated with USSF 'A' Teams at camps concentrated along the South Vietnamese border, where they focused on training Civilian Irregular Defense Force (CIDG) personnel.

In addition, the LLDB Command directly controlled the Delta Operations Center with its Delta teams and the four company 91 Airborne Ranger Battalion, both were used by Project Delta, a special reconnaissance unit of the US Military Assistance Vietnam Studies and Observation Group (MACVSOG), which operated deep in VC/NVA sanctuaries.

On 30 January 1968 the Communists launched their TET general offensive across South Vietnam. Caught celebrating the lunar New Year, the Saigon government was initially ill prepared to counter the VC/NVA attacks. When Nha Trang was hit on the first day the LLDB Headquarters was protected by 91 Airborne Ranger Battalion, recently returned from one of its Project Delta assignments. At only 60 percent strength the Airborne Rangers turned in an excellent performance, pushing the major Communist elements out of Nha Trang in less than a day. The battle, however, cost the life of the battalion commander and wounded the four company commanders.

After a four month retraining in Nha Trang three companies from 91 Airborne Ranger Battalion were brought together with six Delta teams and renamed 81 Airborne Ranger Battalion. In early June the new battalion prepared for urban operations in Saigon after a second surge of Communist attacks pushed goverrunent forces out of the capital's northern suburbs. On 7 June the Airborne Rangers were shuttled into Saigon and began advancing toward VC held sectors around the Duc Tin Military School. After a week of bloody street fighting, much of it at night, the Airborne Rangers pushed the enemy out of the city.

Following the Tet Offensive 81 Airborne Ranger Battalion was increased to six companies, and continued to be used as the main reaction force for Project Delta; four companies were normally assigned Delta missions while two remained in reserve at LLDB Headquarters.

The Strategic Technical Directorate

In late 1968 the Technical Service was expanded into the Nha Ky thuat (Strategic Technical Directorate, or STD) in a move designed to make it more like MACVSOG, the US joint services command created in 1964 which ran reconnaissance, raids and other special operations both inside and outside South Vietnam. Despite internal opposition the Liaison Service was subordinated to the STD as its major combat arm. Like SOG, the STD also had aircraft under its nominal control, including 219 Helicopter Squadron of the Vietnamese Air Force. By the late 1960s the size of the Liaison Service had increased tremendously. Task Forces 1, 2 and 3, commanded by lieutenant colonels and larger than a brigade, were directly analogous to MACVSOG's Command and Control North, Central and South. Each Task Force was broken into a Headquarters, a Security Company, a Reconnaissance Company of ten teams, and two Mobile Launch Sites with contingents of South Vietnamese Army and paramilitary forces under temporary Liaison Service control. Although the Liaison Service was a South Vietnamese unit, all of its operations were funded, planned and controlled by MACVSOG, and recon teams integrated both MACVSOG and Liaison Service personnel.

In December 1970, in accordance with the 'Vietnamization' policy, all CIDG border camps were turned over to the South Vietnamese government and CIDG units were incorporated into the ARVN as Biet Dong Quan, or Ranger, border battalions. No longer needed as a CIDG training force, the LLDB was dissolved in the same month. Officers above captain were sent to the Biet Dong Quan; the best of the remaining officers and men were selected for a new STD unit, the Special Mission Service. At the same time 81 Airborne Ranger Battalion was expanded into 81 Airborne Ranger Group consisting of one Headquarters Company, one Recon Company and seven Exploitation Companies. The Group was put under the direct control of the JGS as a general reserve force.

During 1970 the Liaison Service had staged numerous cross border missions into Cambodia in support of major external sweeps by the US and South Vietnamese forces against Communist sanctuaries. Early the following year the Service sent three recon teams into the 'Laotian Panhandle' two weeks before the ARVN's February Lam Son 719 incursion.

In February 1971 the STD underwent major reorganization in accordance with Vietnamization and its anticipated increase in special operations responsibilities. Headquartered in Saigon, STD command was given to Col. Doan Van Nu, an ARVN airborne officer and former military attache to Taiwan. As STD commander, and a non voting member of the South Vietnamese National Security Council, Nu took orders only from President Nguyen Van Thieu and the Chief of the Armed Forces of the Republic of Vietnam JGS.

The expanded STD consisted of a headquarters, a training center, three support services and six combat services. The training center was located at Camp Yen The in Long Thanh: Yen The, significantly, was the name of a resistance movement in northern Vietnam during the 11th century. Airborne instruction was conducted at the ARVN Airborne Division's Camp Ap Don at Tan Son Nhut. The three support services were Administration & Logistics; Operations & Intelligence; and Psychological Warfare, which ran the 'Vietnam Motherland', 'Voice of Liberty', and 'Patriotic Front of the Sacred Sword' clandestine radio stations. The combat services were the Liaison Service (Loi Ho), the Special Mission Service (Hac Long), Group 11, Group 68, The Air Support Service and the Coastal Security Service.

The Liaison Service (So lien Lac), commanded by a colonel in Saigon, was composed of experienced Loi Ho recon commandos divided among Task Force I (Da Nang), Task Force 2 (Kontum) and Task Force 3 (Ban Me thuot).

The Special Mission Service (So Cong Tac), also commanded by a colonel, was headquartered at Camp Son Tra in Da Nang. It remained in training under US auspices from February 1971 until January 1972. Unlike the shorter duration raid and recon missions performed by the Liaison Service, the SMS was tasked with longer missions into North Vietnam and Laos. It was initially composed of Groups 71, 72 and 75, with the first two headquartered at separate camps at Da Nang. Group 75 was headquartered at Plei Ku in the former LLDB B Co. barracks, with one detachment at Kom Tum to provide a strike force for operations in Cambodia and inside South Vietnam.

Group 11, an airborne infiltration unit based at Da Nang, and Group 68, headquartered in Saigon with detachments at Kom Tum, was soon integrated under SMS command. Group 68 ran airborne trained rallier and agent units, including 'Earth Angels' (NVA ralliers) and 'Pike Hill' teams (Cambodian disguised as Khmer Communists). A typical Earth Angel operation took place on 15 December 1971, when a team was inserted by US aircraft on a reconnaissance mission into Mondolkiri Province, Cambodia. Pike Hill operations were focused in the same region, including a seven man POW recovery team dropped into Ba Kev, Cambodia, on 12 February 1971. Pike Hill operations even extended into Laos, e.g. the four man Pike Hill team parachuted onto the edge of the Bolovens Plateau on 28 December 1971, where it reported on enemy logistics traffic for almost two months. Pike Hill operations peaked in November 1972 when two teams were inserted by C-130 Blackbird aircraft flying at 250 feet north of Kompong Trach, Cambodia. Information from one of these teams resulted in 48 B-52 strikes within one day.

The STD's Air Support Service consisted of 219 'King Bee' Helicopter Squadron, the 114 Observation Sqn., and C-47 transportation elements. The King Bees, originally outfitted with aging H34s, were re-equipped with UH-1 Hueys in 1972. The C-47 fleet was augmented by two C-123 transports and one C-130 Blackbird in the same year. All were based at Nha Trang.

The Easter Offensive 1972

During the 1972 Easter Offensive the combat arms of the STD saw heavy action while performing recon and forward air guide operations. Meanwhile, 81 Airborne Ranger Group was tasked with reinforcing besieged An Loc. The Group was heli lifted into the southern edge of the city in April, and the Airborne Rangers walked north to form the first line of defense against the North Vietnamese. After a month of brutal fighting and heavy losses, the siege was lifted. A monument was later built by the people of An Loc in appreciation of the Group's sacrifices.

In October 1972, the SMS was given responsibility for the tactical footage between Hue and the Lao border. In early 1973 US advisors were withdrawn. The Air Support Service soon proved unable to make up for missing US logistical support, sharply reducing the number of STD external missions. STD personnel, as well as Lien Doan Nguoi Nhai SEALS, were increasingly pulled into President Thieu's Office for special assignments. Later in the year the Liaison Service's Task Force 1, 2 and 3 were redesignated Groups 1, 2 and 3; and Camp Yen The was renamed Camp Quyet Thang ('Must Win'.)

Following a brief respite in the wake of the 1973 Paris Peace Accords, the STD was back in action against encroaching NVA elements in the countryside. In September 1973 two Liaison Service Loi Ho recon teams were inserted by helicopter into Plei Djereng, a key garrison blocking the NVA infiltration corridor down the Western highlands. They were unsuccessful in rallying the defenders after an NVA attack, however. In late 1974 the NVA increased their pressure; especially hard hit was the provincial capital of Phuoc Long in Military Region 3. After several weeks of NVA tank, artillery and infantry attacks the Phuoc Long defense started to crack. In an effort to save the city the government ordered 81 Airborne Ranger Group to reinforce the southern perimeter. After two days of weather delays one company was heli lifted east of the city on the morning of 5 January 1975; and by early afternoon over 250 Airborne Rangers were in Phuoc Long. After a day of relentless NVA assaults most of the original garrison fled; contact was lost with the Airborne Rangers as the NVA began to overwhelm the city. Early the next day Aiborne Rangers stragglers were spotted north of the city. A four day search eventually retrieved some 50 percent survivors.

By March 1975 the NVA had increased pressure on the Central Highlands, prompting Saigon to begin a strategic redeployment from the western half of II Corps. Although the Liaison Service's Groups 2 and 3 provided security for the withdrawing masses the redeployment soon turned into a rout. In the hasty withdrawal Group 2 had forgotten two recon teams in Cambodia; these later walked the entire distance back to the Vietnamese coast. After the fall of the Central Highlands government forces in I Corps began to panic, sparking an exodus to the south. In the confusion Group I of the Liaison Service attempted to provide security for the sealift to Saigon. Meanwhile, the SMS boarded boats on 30 March for Vung Tau.

With the entire northern half of the country lost, Saigon attempted to regroup its forces. 81 Airborne Ranger Group, which had arrived from II Corps in a state of disarray, was refitted at Vung Tau. The Liaison Service was posted in Saigon, with Groups I and 3 reinforcing Bien Hoa and Group 2 protecting the fuel depots. The SMS also reformed in Saigon.

On 6 April 1975 SMS recon teams sent northeast and northwest of Phan Rang discovered elements of two North Vietnamese divisions massing on the city. An additional 100 SMS commandos were flown in as reinforcements, but were captured at the airport as the North Vietnamese overran Phan Rang. A second tak force of 40 Loi Ho commandos was infiltrated into Tay Ninh to attack an NVA command post; the force was intercepted and only two men escaped. By mid April 81 Airborne Ranger Group was put under the operational control of 18th Division and sent to Xuan Loc, where the unit was smashed. The remnants were pulled back to defend Saigon. By the final days of April the NVA had surrounded the capital. Along with other high officials, the STD commander escaped by plane on 27 April. On the next day 500 SMS commandos and STD HQ personnel commandeered a barge and escaped into international waters. The remainder of the Liaison Service fought until capitulation on 30 April.

REPUBLIC OF VIETNAM

NAVAL SPECIAL FORCES

In 1960 the South Vietnamese Navy proposed the creation of an Underwater Demolitions Team to improve protection of ships, piers and bridges. Later in the year a navy contingent was sent to Taiwan for UDT training; the one officer and seven men who completed the course became the cadre for a Lien Doi Nguoi Nhai (LDNN), or Frogman Unit, formally established in July 1961. The LDNN, with a proposed strength of 48 officers and men, was given the mission of salvage, obstacle removal, pier protection and special amphibious operations.

Soon after the creation of the LDNN a second unit was formed: Biet Hai, or 'Special Sea Force', paramilitary commandos under the operational control of Diem's Presidential Liaison Office and given responsibility for amphibious operations against North Vietnam. US Navy SEAL (Sea, Air and Land) commando teams began deploying to South Vietnam in February 1962 and initiated in March a six month course for the first Biet Hai cadre in airborne, reconnaissance and guerrilla warfare training. By October, 62 men had graduated from the first cycle. A planned second contingent was denied funding.

In early 1964 the LDNN, numbering only one officer and 41 men, began special operations against VC seabome infiltration attempts. Six Communist junks were destroyed by the LDNN at Ilo Ilo Island in January during Operation 'Sea Dog'. During the following month the LDNN began to be used against North Vietnamese targets as part of Operation Plan 34A, a covert action program designed to pressure the Ha Noi regime.

In February a team unsuccessfully attempted to sabotage a North Vietnamese ferry on Cape Ron and Swatow patrol craft at Quang Khe. Missions to destroy the Route I bridges below the 18th Parallel were twice aborted. In March most of the LDNN was transferred to Da Nang and colocated with the remaining Biet Hai conunandos. During May North Vietnam operations resumed by LDNN teams working with newly trained Biet Hai boat crews. On 27 May they scored their first success with the capture of a North Vietnamese junk. On 30 June a team landed on the North Vietnamese coast near a reservoir pump house. Ile team was discovered and a hand to hand fight ensued; two LDNN commandos lost their lives and three 57mm recoiless rifles were abandoned, but 22 North Vietnamese were killed and the pump house was destroyed.

In July a second class of 60 LDNN candidates was selected and began training in Nha Trang during September. Training lasted 16 weeks, and included a 'Hell Week' in which students were required to paddle a boat 115 miles, run 75 miles, carry a boat for 21 miles and swim 10 miles. During the training cycle team members salvaged a sunken landing craft at Nha Trang and a downed aircraft in Binh Duong Province. Thirty-three men completed the course in January 1965 and were based at Vung Tau under the direct control of the Vietnamese Deputy Chief of Naval Operations (Operations).

In 1965 the LDNN was given responsibility for amphibious special operations in South Vietnam. Maritime operations against North Vietnam were given exclusively to the Da Nang based Biet Hai commandos and Hai Tuan boat crews, both incorporated into the new seaborne component of the STD, the So Phong Ve Duyen Hai (Coastal Security Service or CSS). The CSS, a joint services unit, was headed by an Army lieutenant colonel until 1966, then by a Navy commander. CSS missions focused almost entirely on short duration sabotage operations lasting one night, and had a high success rate. The CSS relied heavily on special operations teams temporarily seconded from other services. Teams on loan from the Vietnamese Navy considered most effective, were codenamed 'Vega'. Other teams came from the Vietnamese Marine Corps ('Romulus') and Army ('Nimbus'). The CSS also controlled 40 civilian agents ('Cumulus') until the mid 1960s. Unofficialy, the term Biet Hai was used for all CSS forces, regardless of original service affiliation. CSS training was conducted at Da Nang under the auspices of US Navy SEAL, US Marine, and Vietnamese advisors. Further support was provided by the CSS's Da Nang based US counterpart, the Naval Advisory Detachment, a component of MACVSOG.

By the mid 1960s US Navy SEAL teams were being rotated regularly through South Vietnam on combat tours. Specialists in raids, amphibious reconnaissance and neutralization operations against the VC infrastructure, the SEALs worked closely with the LDNN and began qualifying Vietnamese personnel in basic SEAL tactics. In November 1966 a small cadre of LDNN were brought to Subic Bay in the Philippines for more intensive SEAL training.

In 1967 a third LDNN class numbering over 400 were selected for SEAL training at Vung Tau. Only 27 students finished the one year course and were kept as a separate Hai Kich ('Special Sea Unit,' the Vietnamese term for SEAL) unit within the LDNN. Shortly after their graduation the Communists launched the Tet Offensive most of the LDNN SEALs were moved to Cam Ranh Bay, where a fourth LDNN class began training during 1968. During the year the Vietnamese SEALs operated closely with the US Navy SEALS. The LDNN SEAL Team maintained its focus on operations within South Vietnam, although some missions did extend into Cambodia. Some missions used parachute infiltration.

LDNN after Tet

In 1971, in accordance with increased operational responsibilities under the Vietnamization program, the LDNN was expanded to the Lien Doan Nguoi Nhai (LDNN), or Frogman Group, comprising a SEAL Team, Underwater Demolitions Team, Explosive Ordnance Disposal Team and Boat Support Team. Headquarters remained in Saigon. For the remainder of 1971 the SEALs operated in 12 18-man detachments on neutralization operations and raids inside South Vietnam. SEAL launch sites included Ho Anh, north of Da Nang, Hue and Tinh An.

During the 1972 Easter Offensive the SEALs were transferred to Hue to conduct operations against NVA forces holding Quang Tri; after Quang Tri was retaken some of the SEALs went to Quang Ngai to resume VC neutralization operations. After US Navy SEAL advisors were withdrawn in late 1972 the LDNN SEAL Team, now 200 strong, took over training facilities at Cam Ranh Bay; training, however, was cut in half, with only one fifth given airborne training. The SEALs had been augmented by ten graduates out of 21 LDNN officer candidates sent to the US for SEAL training in 1971.

When the Vietnam ceasefire went into effect in 1973 the SEALs returned to LDNN Headquarters in Saigon. At the same time the CSS was dissolved, with the Navy contingent given the option of transferring to the LDNN.

In late December 1973 the government reiterated its territorial claim to the Paracel Island chain off its coast and dispatched a small garrison of militia to occupy the islands. By early January 1974 the Chinese, who also claimed the islands, had sent a naval task force to retake.the Paracels. On 17 January 30 LDNN SEALs were infiltrated on to the western shores of one of the major islands to confront a Chinese landing party. The Chinese had already departed; but two days later, after SEALs landed on a nearby island, Chinese forces attacked with gunboats and naval infantry. Two SEALs died and the rest were taken prisoner and later repatriated.

During the final days of South Vietnam a 50 man SEAL detachment was sent to Long An; the remainder were kept at LDNN Headquarters in Saigon along with 200 new SEAL trainees. During the early evening of 29 April all SEAL dependents boarded LDNN UDT boats and left Saigon; a few hours later the SEALs departed the capital, linked up with the UDT boats, and were picked up by the US 7th Fleet in international waters.

By Ken Conboy